‘Đảm đang”, “hi sinh”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”…, những mỹ từ đó chính là những gánh nặng nhẫn tâm đang đè lên vai phụ nữ Việt.
Nhớ hồi tôi có bầu, bên nội liên tục nhắc tới viễn cảnh một đứa cháu đích tôn để thờ cúng và nối dõi tông đường. Ngày tết, khi thấy tôi ăn một cái kẹo, bố chồng mừng rỡ: “Nghén ngọt hả? Vậy là chắc con trai rồi đó”.
Chồng tôi kể, ngày mẹ chồng sinh lần thứ 3, hồi đó chưa có siêu âm, nên chưa biết là trai hay gái. Bố chồng ở nhà nhốt gà để đợi ăn mừng. Nghe tin bà sinh, ông ra trạm xá xã đón bà. Đi tới nửa đường thì gặp người thân vừa ở đó về, được thông báo là bà lại sinh cô con gái thứ 3, ông quay về ngay lập tức. Thả hết gà ra, rồi bỏ đi công tác luôn, một tháng rưỡi sau mới thèm về nhà ngó con.
Và khi tôi sinh 2 con gái, bên nội hụt hẫng thấy rõ. Chồng tôi tự kết tội mình bất hiếu: “Con gái thì ai cho quyền được thờ cúng?”!
Giờ đã là năm 2015, nhưng định kiến nó vẫn còn đó. Một người bạn gái của tôi đã phải ăn kiêng suốt mấy năm trời để mong tìm con trai, và đã bị chồng ép bỏ thai tới 5 lần vì nghi là thai gái!
Để ý cách nói chuyện với một bà bầu sẽ thấy, sau câu hỏi bé trong bụng là trai hay gái, nếu trai sẽ được nói ngắn gọn: “10 điểm nhá, chúc mừng”. Nhưng nếu là gái sẽ được an ủi: “Con nào chả là con”, hay “Có con gái càng nhàn, sau này nó… phụ việc cho”. Ơ hay, vậy có con trai không nhàn sao, không biết phụ việc sao? Con trai không “cũng là con” sao?
Thậm chí, bây giờ thấy tôi dắt Xu và Sim đi tung tăng, nhiều bà vẫn nhảy vào khuyên lơn “Ráng đẻ thêm không?”, “Đẻ thêm đứa con trai không chồng nó bỏ đấy!”