Sự thật trong mắt chúng ta không phải là toàn bộ

Chia sẻ:

Nhớ ngày xưa, khi nói về nghề và nghiệp, mình hí hửng khoe: Em không sát sanh, không buôn bán rượu bia, ma túy, chất độc gì cả. Em chỉ làm báo, em không bịa chuyện. Em chỉ nói sự thật.

Anh Thượng cười bảo: Chưa hẳn. Lan truyền thông tin cũng có tạo nghiệp đấy.

Hai năm nay, mình nhận ra, virus Covid có thể gây chết người, nhưng nỗi sợ hãi do truyền thông mang lại, còn gây hậu quả nguy hiểm hơn.

Nỗi sợ hãi đã, đang và sẽ cắt cụt kế sinh nhai, làm phá sản, kiệt quệ nhiều nhà. Nỗi sợ hãi làm người ta tàn nhẫn, độc ác, sỉ vả cả những bệnh nhân nạn nhân.

Nỗi sợ hãi Covid 19 làm nhiều bệnh nhân ung thư, lao phổi, tim mạch, đột quỵ, xuất huyết, vỡ ruột thừa… bị chết oan. Người dân quá sợ hãi không đi khám chữa bệnh. Chưa kể thiếu BS, thiếu bệnh viện, thiếu kinh phí vì phải lo tập trung vào Covid…

Chiều qua, một công ty ở Bình Thạnh có 81 người đang khỏe mạnh, bỗng đi xét nghiệm, lòi ra 20 người dương tính, gần 25%. Bạn bè mình có 2 luồng ý kiến. Người thì hốt hoảng: “Toang thật rồi”, người thì nói: “Tất cả họ vẫn khỏe mạnh kìa, không nguy hiểm đâu”. Ai cũng đúng.

Nói chúng ta vĩ đại, an toàn, ngạo nghễ cũng là sự thật. Mà nói chúng ta đang phung phí sức lực, và bỏ rơi những bệnh khác đang cần điều trị, cũng đúng. 

Nói hơn 9000 người tập trung không giãn cách ở sân Phú Thọ cũng là sự thật, nhưng nhiều địa điểm khác giãn cách rất nghiêm chỉnh cũng là sự thật luôn. Nói VN có số người tử vong 80 người là sự thật, nhưng nói chỉ có 2 người tử vong vì Covid cũng đúng.

Có người thấy chống dịch phải như chống giặc, có người thấy cách đó là duy ý chí, phi nhân.

Hơn 1 năm rồi, mình tranh luận khá nhiều, cũng chẳng ra được vấn đề. Thú thực, mình cũng không chắc là mình đúng, chỉ biết đợi sau này lịch sử đánh giá thôi.

Mình cũng biết có những khu cách ly như lò ấp F0, ở chung, sinh hoạt chung, người ngồi, kẻ nằm san sát nhau. Có khu chung cư cả ngàn người, không có ca nào dương tính, vẫn bị cách ly chồng cách ly, 30 ngày chưa được tháo lệnh. Có người đi cách ly về thì nhà cửa tan hoang, trộm đã vào ra thăm viếng vài lần.

Do bản năng sinh tồn, những thông tin gây sợ hãi bao giờ cũng lan truyền rất nhanh, rất mạnh. Những thông tin mang lại cảm giác an toàn thường bị chìm đi.

Như hình ảnh Ấn Độ đốt xác thì được đăng tải khắp nơi, nhiều người mang Ấn Độ ra để dọa: “Coi chừng như Ấn Độ kìa”. Con số tử vong vì Covid được cập nhật tăng lên mỗi ngày gây rất nhiều sợ hãi.

Nhưng thống kê TỔNG SỐ tử vong của tất cả các bệnh của Ấn Độ thì không được để ý, 6 tháng đầu năm 2021 là 7,344/1000 dân, không chênh nhiều hơn so với năm 2019 chưa dịch là 7,273.

Các bang của Hoa Kỳ không “đóng cửa” như bang Arkansas, Iowa, Nebraska, North Dakhôngta, Utah, and Wyoming, có tỷ lệ tử vong ở mức trung bình năm 2020 hoặc không cao hơn so với tỷ lệ tử vong năm 2019 của bang đó, khi chưa có covid.

Rồi Thụy Điển, đất nước không nghe lời WHO, không cách ly truy vết, cũng vượt qua đại dịch bình yên với tỷ lệ tử vong năm 2020 bằng với năm 2019 chưa có covid, và ở mức thấp nhất trong lịch sử. (từ FB Hoang Giang)

Với 1 sự việc nào đó, luôn có nhiều góc nhìn, có nhiều nguyên nhân và nhiều hậu quả khác nhau. Không thể kết luận vì 1 cái này mà ta có 1 cái kia. Mỗi một kết quả là trùng trùng duyên khởi.

Có nhiều nghiên cứu, nhiều báo cáo đối lập, và nó cũng đều là sự thật. Như sữa bò, nhiều nghiên cứu nói sữa bò có hại, nhưng cũng rất nhiều nghiên cứu thấy sữa bò bổ dưỡng. Có bé ngủ riêng rất tự lập nhưng cũng có bé ngủ riêng vẫn rất phụ thuộc.

Chúng ta chọn nhìn vào cái gì, đưa tin về chuyện gì, nói về con số nào, đó hoàn toàn do chủ quan của người viết. Và chân lý là cái lý có chân, nó cũng nhảy nhót linh tinh lắm đó. Cũng chỉ biết tự nhủ phải đọc nhiều góc nhìn khác nhau, lắng nghe cả những người có quan điểm ngược hẳn với mình. Bởi vì ta không biết những điều ta không biết.

Và ngay cả khi không hề nói dối tý nào, thì sự thật trong mắt ta cũng KHÔNG PHẢI LÀ TOÀN BỘ SỰ THẬT.

Chia sẻ:

Gửi phản hồi