Công bằng với trầm cảm

Chia sẻ:

Tháng này khi trên đài báo nói nhiều về Covid biến chủng Delta, rồi nguy cơ lây nhiễm, rồi cách ly phong tỏa, thì mình cũng đồng thời nghe nhiều tin về những người bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.

Trầm cảm nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Mình cũng đã từng trầm cảm, cũng đã từng mất đi một người bạn rất giỏi giang và mạnh mẽ. Mình đã viết: “Có những người bẩm sinh bình an. Có người thì không! Ở nhiều người trầm cảm, chất dẫn truyền thần kinh trong não của họ ít hơn, khác hơn của người thường. Nên tại sao chỉ vì một câu mắng, chỉ vì một sự thất bại mà người khác coi là muỗi thì họ đã có thể suy sụp tới tự tử.

Thì cũng như có người đi mưa hoài chả sao, có người vừa dính mưa đã bị ho. Có người ăn hàng hoài chả sao, có người ăn một bữa đã bị Tào Tháo rượt trối chết. Có người hút thuốc lá hoài chả sao, có người lại ung thư phổi. Có ai muốn chọn bệnh trầm cảm cho mình đâu!

Lâu nay chúng ta vẫn hay đọc được những bài báo vì cô giáo mắng học sinh, vì ba mẹ cấm con yêu, vì bị từ chối lời tỏ tình… Rồi mắng người đó nào dại, nào là sống ảo, nào là yếu tâm lý, nào là thiếu cố gắng. Không đơn giản vậy đâu. Họ cũng luôn luôn muốn mình lạc quan vui vẻ, đầy ngút ý chí. Họ muốn mình ngủ dễ, nhanh quên, họ muốn mình khỏe mạnh chứ.

Có một truyện ngụ ngôn kể rằng có bác nông dân dẫn 1 con lừa ra chợ để mua hàng, cuối buổi bác chất đầy nhóc đồ đạc trên lưng lừa. Trên đường về gặp ít củi khô, bác lại bốc lên cho lừa chở. Đi được 1 đoạn, bác lại thấy tảng đá rất to rất đẹp bên vệ đường, bác thích quá vội vàng chất lên lưng lừa. Trời trưa nắng chang chang, bác mồ hôi nhễ nhại, bèn cởi chiếc áo vắt lên lưng lừa. Ngay lúc đó, con lừa ngã quỵ. Tức giận, bác nông dân quát: “Đồ ăn hại. Có mỗi cái áo mà cũng không chở nổi”.

Trầm cảm là một quá trình. Nó xảy ra trước đó từ lâu rồi, từ nhiều năm trước.

Nó có thể là những vết đau, những tổn thương 2 năm đầu đời khi mới sinh, khi trẻ còn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ.

Thậm chí là những tổn thương từ khi còn bào thai trong bụng, khi biết được ba mẹ không mong chờ mình ra đời, khi biết bố mẹ đã từng muốn chối bỏ mình, hay khi biết bố mẹ mong chờ một giới tính khác cơ.

Thậm chí còn lâu hơn nữa, là tổn thương từ thời bố mẹ, chiến tranh, nghèo đói, xã hội loạn lạc…. làm bố mẹ khổ sở, cay nghiệt, chỉ biết giáo dục bằng đòn roi, bằng chì chiết.

Thậm chí từ thời ông bà, ảnh hưởng từ những cuộc chiến triền miên, từ cải cách ruộng đất, hay đánh tư sản này kia… Nó làm ông bà cụ kỵ lúc nào cũng bất an, sống hôm nay mà không biết ngày mai sẽ thế nào, làm ăn hôm nay mà không biết ngày mai mình có còn không…

Từ những đau thương, những sai lầm dân tộc tổ tiên mình đã trải qua thế nào, để bây giờ mình ở đây, bồi đắp lên tính cách này.

Ở nhiều nước giàu vẫn có tỷ lệ tự tử cao. Nhiều người trên đỉnh cao danh vọng cũng đã tìm tới tự tử, những chủ tịch tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, rất thành công, cuộc đời họ cũng lên voi xuống chó nhiều, họ rất mạnh mẽ, kiên cường… mà cũng tự tử. Nhiều ca sỹ, diễn viên rất giỏi, có chí tiến thủ, có kỷ luật, có cường độ lao động rất cao… cũng tự tử. Ngày xưa khi chưa có internet cũng đã có tự tử!

Ở mình nhiều người vẫn còn coi thường bệnh trầm cảm và các chứng bệnh tinh thần, gọi bằng những từ miệt thị như khùng, tâm thần.. Và vì thiếu hiểu biết, chúng ta như bị điếc trước những tín hiệu kêu cứu của họ. Rồi tới khi người bệnh tử vong bằng cách chọn cái chết, thì chỉ biết cúng kiếng bằng nhiều thủ tục phức tạp, để giải hạn, giải oan. Những bệnh về thể chất như ung thư, viêm gan, mỡ máu… thì được người nhà chăm sóc chu đáo, cảm thông, còn bị trầm cảm thì người thân bực bội, bức xúc, và chán nản…

Chia sẻ:

Gửi phản hồi