Về quê: hậu quả của lockdown thời gian dài

Chia sẻ:

Khoảng 2,1 triệu người muốn về quê.

Mùa mưa bão đang tới. Đi bộ hàng trăm cây cũng vẫn về. Đẩy xe tự chế cũng vẫn về. Xe máy cà tàng vẫn về. Bụng bầu 7, 8 tháng vẫn đi bộ về. Con nhỏ sơ sinh vài tuần tuổi, quấn khăn bồng trên tay, vượt hàng ngàn cây nguy hiểm, để về.

Ngủ vạ vật ngay trên lề đường, không giường chiếu, không đồ ăn, không có nhà nghỉ phòng trọ, quê nhà không đón tiếp, vẫn về… Báo chí đưa tin đã có những đứa trẻ ngất xỉu trong lớp áo mưa do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài, có bà bầu đau đẻ ngay đèo Hải Vân…

Thì phải hiểu là suốt mấy tháng lockdown họ đã cùng cực thế nào, khủng hoảng niềm tin thế nào.

Những ngày tháng lockdown, hầu như không tiếp xúc được với họ, có biết họ khó khăn, nhưng bây giờ, nhìn cách người dân sẵn sàng chọn con đường nguy hiểm để về, thì hiểu, ở lại, chắc hẳn phải kinh khủng lắm.

Vì sao điều này xảy ra? Vì một con virus, hay vì cách chống lại con virus? Vì lockdown nghiêm ngặt, truy vết gắt gao, phong tỏa cả bệnh viện và phòng khám, vì chốt chặn, dây thép gai rào chắn mọi ngả?

Nhiều người nói lockdown nghiêm ngặt là “đổi kinh tế lấy tính mạng”, không chỉ vậy, nhìn cảnh mấy hôm nay sẽ thấy thực chất là đổi tính mạng này lấy tính mạng khác. Nhân danh bảo vệ họ khỏi nhiễm virus, bằng cách triệt con đường sống của họ, nhiều người nghèo bị đẩy vào con đường bần cùng hóa.

Suốt gần 2 năm trời lo đếm số ca mắc và tử vong do covid, chúng ta đã cố tình không đếm số ca tử vong vì tim mạch, ung thư và các bệnh khác chết oan do không được BS khám chữa bệnh, không được uống thuốc kịp thời; chúng ta không đếm số ca tự tử do trầm cảm, do phá sản, do nợ nần; không đếm số ca nhiễm covid chưa nặng mà vẫn chết vì ngưng thở do quá sợ hãi, và căng thẳng, vì không có người chăm sóc… Chưa đếm tình trạng thất học, các nhà máy xí nghiệp thiếu người, chưa đếm xáo trộn xã hội và các vấn nạn xã hội do sự bần cùng hóa,…

Giờ này nhìn dòng người đói khổ về quê, có thể đã thấy, trong lúc dịch bệnh, thì sự sợ hãi hoảng loạn sẽ gây nguy hiểm thế nào. Mình căm ghét những clip như “Ấn Độ chết không kịp chôn”. BS chống dịch kể, có những người đang khỏe mạnh, nhận kết quả xét nghiệm dương tính là ngất xỉu, không thở được, chỉ số oxy tụt ngay. Nghe tin, những người ở nhà cũng gào khóc và ngất luôn.

SG đã sửa sai. Nhưng nhiều tỉnh thành vẫn cứ ráng truy vết, xét nghiệm, cách ly tập trung, vẫn lo dọa dẫm và cấm, cấm, cấm. Vẫn rượt đuổi 1 mục tiêu trước mắt, bất chấp những hệ lụy và những mục tiêu lâu dài khác.

Chưa kể, mình lo lắm, trẻ em vẫn đang bị nhốt ở trong nhà và học online.

Làn sóng di dân hôm nay là hậu quả của lockdown những tháng trước. Còn tác động với trẻ em thì có thể là vài năm mới thấy. Chúng ta lại phải chuẩn bị đối mặt với nạn căng thẳng, trầm cảm, tổn hại tâm lý và thể chất lâu dài, các bệnh về tiêu hóa, về phát triển cơ xương khớp, nạn nghiện game, nghiện màn hình, khủng hoảng tâm lý và giao tiếp… Theo dữ liệu của LHQ, sau covid, nạn lừa đảo trên mạng đã tăng lên khoảng 600%. Không thể tách riêng 1 thứ ra để diệt, mà kỳ vọng những thứ còn lại sẽ phát triển lành mạnh.

Mình nói điều này không phải để dọa các bạn hay để có lợi cho bản thân. Cá nhân mình đã làm việc online đã mấy năm nay, mình là người hướng nội, không thích ra ngoài, sợ đám đông, mình lại nghiền con, cả ngày cả tháng ở cùng con vẫn thích, nên mẹ con mình chả có vấn đề gì. Con mình thì tự lập và ham học từ nhỏ, nên học online khá tốt. Nhưng không vì thế mà mình hô hào lockdown và hô hào đóng cửa trường.

Chúng ta cần cảnh giác, kẻo lại phải trả học phí cũ cho bài học cũ, vì sợ con covid nên nhốt trẻ con ở trong nhà, và đẩy trẻ vào những nguy cơ khác. Số trẻ em chết do té ngã, do đổ bàn ghế, tủ kệ, đồ đạc vào người, chết do đuối nước, do cháy do bỏng, do điện giật, do tai nạn, do giỡn nghịch, do đánh nhau ở trong nhà và hàng xóm… đang lớn hơn số trẻ tử vong vì covid.

Từ dòng người đau khổ về quê, hi vọng chúng ta đừng tránh nỗi lo sợ này bằng cách đẻ ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ:

Gửi phản hồi