Series Quyền riêng tư: Những cánh chim non trong bão

Chia sẻ:

Dưới đây là loạt bài về quyền riêng tư mà mình đã public trên facebook cá nhân. Mời cả nhà đọc thêm trong bài viết này.

1. Quyền riêng tư của những người không may mắn

Khi ba mẹ ly hôn, nhiều người chỉ trỏ vào bọn trẻ rồi thì thầm ra vẻ rất giàu thương cảm, ái ngại “bố mẹ nó bỏ nhau”, “chỉ khổ thân chúng nó”, “Bố mẹ cháu ăn ở sao lại thế? Phải có lý do gì chứ?”. Hic hic… Không để cho nó được yên.

Có người sau ly hôn phải thú nhận “Sống ở đây còn đau hơn cả chết!”. Chỉ muốn bỏ trốn khỏi làng.

Mình rất dị ứng với những bài báo mạng khi đăng những quan điểm giáo dục, quan điểm sống của mình, luôn giật tít “mẹ đơn thân”!

Mình cũng rất dị ứng với những bài báo thương vay khóc mướn kèm hình chụp cận cảnh người nhà. Thậm chí sau vụ tai nạn thương tâm, sẽ rất nhiều báo đăng hình các em bé con nạn nhân đội khăn tăng đứng khóc. Mất mát có thể sẽ nguôi ngoai, còn hình đã lưu vào google thì bao giờ xóa được?

Một teen có ba vừa bị bắt đã tâm sự với mình: “Ba bị giữ trong trại, hai anh em mình thì bị bỏ lại ngoài đời để trả lời những câu hỏi về ba, cho dù mình cũng chẳng hiểu tại sao ba lại làm thế. Có lúc mình còn mong thà rằng bị tù, ngày 24 tiếng đồng hồ sau song sắt, còn hơn là bị vứt lại giữa đời để chịu những ánh nhìn ghê gớm của người làng”.

Quá quan tâm, giờ trở thành quá tò mò, chốc lát đã trở thành độc ác. Chỉ trỏ, thầm thì, kỳ thị… Rồi chúng ta vô tư đánh giá người khác theo những chuẩn mực riêng của mình. Vì lạc hậu, chúng ta chỉ biết đánh giá một chiều. Vì thiển cận, chúng ta hay quy kết, dán nhãn, chụp mũ. Tất cả càng làm tăng thêm nỗi đau cho những người vốn đã đau lắm rồi. Có người không chịu nổi phải tự vẫn.

“Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Sau khi người đó lĩnh án, những người thân vô tội bị bỏ lại giữa thị phi, giữa dư luận độc ác. Dù có chạy trốn khỏi làng, thì với một bí mật đau đớn trong tim, họ cũng chẳng được bình yên.

Đâu phải lời nói nào gió cũng thổi bay? Những cái nhìn hiếu kỳ và phán xét của người đời nhiều khi còn sát thương hơn dao chém. Sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ án, quanh gia đình thủ phạm, theo kiểu sợi tóc chẻ tư, đôi khi độc ác và tàn nhẫn.

(Trích từ bài Những cánh chim non trong bão:

https://www.facebook.com/thuha.mexusim/posts/2644451245579466)

2. Quyền riêng tư của người bị nạn và người bệnh:

“Các bạn cảm thấy thế nào khi nhìn những hình ảnh cận cảnh và chi tiết ca mổ tách rời 2 bé song sinh?

Về y học, ca mổ đã thành công bước đầu, nhưng từ góc độ người làm báo, mình thấy truyền thông như thế tàn nhẫn quá.

Hình ảnh 2 bé với phần cơ thể có dị tật được chụp cận cảnh, trần truồng, rõ nét và đăng tơ hơ trên báo. Mặt mũi, tên họ, ngày sinh, phần dưới của cơ thể, không được làm mờ hay viết tắt. Rồi những hình ảnh bố mẹ bé núp trong góc hành lang che mặt khóc, cũng bị các phóng viên dí máy vào chụp.

Cứu em bé, nhưng tại sao lại huỷ hoại lòng tự trọng và sự riêng tư của gia đình người ta?

…. Tình cờ đợt này, 2 năm trước nước láng giềng Thái Lan cũng giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Hoang mắc kẹt 10 ngày trong hang động. Họ huy động cả tàu ngầm mini, cả những chuyên gia lặn nổi tiếng khắp thế giới từ Úc, Canada, Mỹ… tới giải cứu. Nhưng dù có hàng trăm PV và các hãng thông tấn săn đón, nhưng vẫn không một tấm hình nào bị lọt lên báo mà thấy mặt mũi, tóc tai nạn nhân. Không có cuộc phỏng vấn nào được thực hiện. Không tiết lộ những hoàn cảnh đời tư thương tâm. Không trao bằng khen, không tặng hoa, không trao phong bì…

Trong suốt những ngày quần quật giải cứu, Thái Lan mở rất rộng cửa cho các chuyên gia thế giới vào, nhưng che kín phông bạt, và kiên quyết “đuổi” các Phóng viên ra. Có PV cố tình dùng flycam, liền bị cảnh cáo và trục xuất.

Nguyên tắc của họ, và cũng là của các nước văn minh: Cứu sống bệnh nhân nhưng đừng lấy đi của họ quyền riêng tư, sự bình yên và tự do.

Và ngay cả những bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện, cũng không nên đăng tải những hình trực diện bi kịch của người khác. Những chương trình đi trao quà cũng không nên chụp đăng quá tấm hình với người nhận thì khổ sổ rúm ró, cầm cái bảng thật to ghi rõ số tiền, người trao thì phương phi, sáng láng, rạng rỡ. Như thế là ác, chứ thiện gì. Đừng vì tặng vài triệu mà tàn sát lòng tự trọng của họ. Sau này họ còn sống với chòm xóm, với láng giềng nữa mà….

(Link đầy đủ: https://www.facebook.com/thuha.mexusim/posts/3551891291502119)

3. Quyền riêng tư về điểm số của Học sinh:

“Các ba mẹ ơi, ba mẹ có thấy thoải mái không khi bảng lương của mình được đăng công khai?

Các ba mẹ có vui không, nếu con cái so sánh “ba má nhà người ta”, “Bằng tuổi ba thì ba người ta đã là ông nọ bà kia.”?

Vậy mà, tại sao người lớn có quyền bí mật lương, còn học sinh lại phải công khai điểm số và thứ hạng?

Tới hôm nay 2019, nhiều trường ở VN vẫn công khai điểm nhỉ, thậm chí còn dán danh sách toàn trường, còn đăng lên online. Cả lớp biết, cả trường biết, cả thế giới ai ai cũng có thể biết!

Nhiều giáo viên thậm chí còn tung bảng điểm lên FB cho bá tánh, 3 tỷ người dùng FB thoải mái dòm rồi share. Phụ huynh xem, bạn bè của phụ huynh xem, bạn bè cuả học sinh cũng xem. Lại còn được google lưu danh thiên cổ!

Mình nghĩ, công khai bảng điểm cũng là bạo lực học đường!

Điểm là chuyên riêng của mỗi học sinh, không phải là cái để cho mọi người bình phẩm. Quyền riêng tư điểm số cũng là nhân quyền.

Khi học với GV nước ngoài, Xu Sim kể: Không có 1 GV nước ngoài nào giao tập đề cương về nhà làm và không dọa. Khi thi học sinh có quyền mang tài liệu vào lớp. Nhưng đề bài của thầy chả lần nào có cơ hội giở tài liệu, và cũng chả đủ thời gian mà giở tài liệu.

Thầy nói, kỳ thi cũng có ý nghĩa với thầy. Vì nhìn cách tụi em làm bài và nhìn điểm của tụi em sẽ giúp thầy đánh giá cách dạy của thầy. Tụi em mà bị điểm thấp thì thầy phải điều chỉnh lại giáo án, chứ không phải là lỗi chỉ tại tụi em.

PGS. TS Phương Mai đã viết: “Việt Nam là một trong những nước trẻ em chiụ áp lực khủng khiếp nhất về học hành và thi cử. Những ký ức rùng mình thời đi học chưa bao giờ phai nhạt trong tôi. Đó là giờ kiểm tra miệng khi một học sinh bị đưa lên đoạn đầu đài trước sự chứng kiến của cả lớp, và điểm số sẽ được thông báo thản nhiên từ miệng thầy cô giáo trước sự thán phục hay coi thường của đám đông. Đó là khi thầy cô mở sổ điểm ra và gọi tên theo số thứ tự để học sinh hô lên điểm số của mình giữa bàn dân thiên hạ. Điểm cao thì đắc chí, điểm kém thì tủi thân.

Như một sự nhục mạ và mua vui tập thể”

Mình thấy rằng, có những thay đổi phải đợi Bộ trưởng ra quyết định, có những cải cách phải đợi vì kinh phí lớn như mở đường, mở trường, xây thêm phòng học, dãn sỹ số lớp…

Nhưng có những thay đổi tự GV và ba mẹ chúng ta có thể làm được mà, thậm chí làm ngay hôm nay. Ví dụ như tôn trọng quyền riêng tư về điểm số và kết quả học tập.

Chỉ cần dừng lại một cú click chuột! Bạn không tốn đồng tiền nào, nhưng sẽ giảm tổn thương con mình và con nhà khác được rất nhiều đấy ạ!

https://www.facebook.com/thuha.mexusim/posts/2579160675441857

 

Chia sẻ:

Gửi phản hồi